An Lão phát huy thế mạnh xây dựng sản phẩm OCOP
Nắm bắt những lợi thế địa phương, thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện An Lão đã hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất, hộ gia đình, hợp tác xã trong việc quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Huyện An Lão được biết đến như “nóc nhà Bình Định” có địa hình tương đối dốc với thảm thực vật phong phú, thuận lợi phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây lương thực, nhất là cây công nghiệp ngắn ngày. Ngoài ra, huyện còn nhiều sản phẩm truyền thống mang nét đặc trưng vùng miền như: Heo đen, mật ong rừng, chè, cam xoàn, bưởi da xanh, thảo dược... là những lợi thế để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Hiện nay, huyện An Lão đã có 3 sản phẩm Mật ong rừng của Cơ sở kinh doanh mật ong rừng Mây, xã An Tân; Cam sành của hộ ông Lê Văn Năng xã An Toàn; Cau trái của Công ty TNHH Thương mại Huệ Cư xã An Hòa được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm Chè tiến vua An Toàn và Mật ong rừng An Lão.
Các sản phẩm trưng bày tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện An Lão năm 2021
Các sản phẩm trưng bày tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện An Lão năm 2021
Các sản phẩm trưng bày tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện An Lão năm 2021
Đến nay, An Lão có 04 hộ, đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia sản phẩm OCOP được hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử bao gồm các sản phẩm: Mật sao rừng của Cở sở Mật ong rừng Mây (xã An Tân), Cau trái của Công ty TNHH Thương mại Huệ Cư (xã An Hòa), Cơ sở thảo mộc của hộ bà Đỗ thị Thu Thảo (xã An Hòa), Cơ sở sản xuất Nem chả của hộ ông Phạm Đình Tài (xã An Hòa).
Đây cũng là động lực để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP ngày càng hoàn thiện, nâng cấp, chuẩn hóa các sản phẩm, đảm bảo theo tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Huyện An Lão nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Trong năm 2021, Huyện An Lão tiếp tục xây dựng nội dung thực hiện và huy động nguồn lực xã hội tham gia Chương trình sản phẩm OCOP, qua đó nhằm hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm thế mạnh, đặc sản hiện có của địa phương.
Đáng chú ý, ngày 10/12/2021 vừa qua, Huyện An Lão đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, trong đó 11 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp huyện và sẽ tham gia đánh giá tại cấp tỉnh Bình Định. Đồng thời vừa qua, huyện đã tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm: Heo đen An Lão, Dứa An Toàn, Cam xoàn An Lão.
Những sản phẩm đề nghị chứng nhận nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận. Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP xếp hạng, huyện An Lão còn chú trọng đến hoạt động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm này.
Ông Đỗ Tùng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão phát biểu tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2021
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN – PTNT huyện An Lão cho biết năm nay huyện có những sản phẩm tiêu biểu đạt OCOP 3 sao cấp huyện như Thịt Bò An Lão, thịt Heo đen An Lão, Dứa An Lão, Bưởi da xanh An Lão, Trà thảo dược Chè dây – Dạ Cẩm, Trà thảo dược INSULAC, Cao dược liệu Thắng Xịn, Cao dược liệu Kiện Vị, và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí…
Các sản phẩm này sẽ được huyện hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại còn rất nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng vùng miền đang được huyện kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm lao động sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thông qua đề án đánh giá lại thích nghi đất đai để chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với địa bàn nhằm nâng cao giá trị trên từng diện tích.
Từ những điều kiện thiên nhiên thuận lơi, Huyện An Lão đã tích cực xây dựng, đưa thương hiệu sản phẩm mang đặc trưng vùng miền đến tay người tiêu thụ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, ổn định việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Sắp đến, huyện cũng có đề án xây dựng chương trình OCOP kết hợp du lịch bền vững, mang sản vật địa phương phục vụ du lịch.
Bài và ảnh: Ánh Tuyết